Tóm tắt lịch sử của Linux Professional Institute (LPI)

Quay ngược lại năm 1998, Apple đã phát hành máy iMac and Microsoft phát hành Windows98. Unix vẫn là một thế lực lớn trên các máy chủ nhưng Microsoft Windows NT hứa hẹn sẽ xâm nhập sâu vào không gian máy chủ. Linux nhanh chóng trở thành một hiện tượng ngày càng phát triển với hàng triệu người dùng trên toàn thế giới. Các công ty mới nổi, chẳng hạn như Red Hat và SUSE, đang thu hút sự chú ý của nhóm người dùng doanh nghiệp bằng các gói thương mại và hỗ trợ Linux, nhưng các nhà phân tích và giới báo chí công nghệ thông tin vẫn cho rằng Linux sẽ không bao giờ vượt qua được sự hiện diện thị trường ngách nếu không có những cải tiến vượt bậc trong mảng hỗ trợ chuyên nghiệp.

Năm đó, hai nỗ lực cộng đồng riêng biệt đã tạo đà cho việc giải quyết một trong những lỗ hổng sâu được nhận thấy trong hỗ trợ Linux. Nếu một công ty lựa chọn triển khai Linux, một nhà quản lý Công nghệ thông tin sẽ làm cách nào để có thể tìm được những nhân sự có trình độ để cài đặt, duy trì và hỗ trợ nó?

Vào thời điểm đó, có rất nhiều chương trình chứng chỉ cho hệ thống Microsoft Windows và cung cấp cơ chế cho các công ty đang cố gắng để hiểu được chuyên môn của một ai đó với Windows. Có thể có một số loại chương trình chứng chỉ tương tự cho Linux không? Red Hat bắt đầu phát triển chứng chỉ riêng cho bản phân phối Linux của họ. Một số nhà cung cấp bản phân phối khác bắt đầu đề cập đến việc tạo ra các chứng chỉ của riêng họ. Một số người trong cộng đồng Linux bắt đầu quan ngại rằng chúng ta có thể có nhiều chứng chỉ Linux nhỏ lẻ và điều này sẽ không giúp thúc đẩy việc triển khai Linux so với một chứng chỉ chung.

Vào tháng 10/1998, Dan York xuất bản trên Linux Gazette một bài báo kêu gọi một chương trình chứng chỉ Linux cho cộng đồng, kết quả đã tạo nên một nhóm thảo luận cộng đồng sôi nổi. Dan tiếp tục viết một chuỗi bài báo, kết quả là Linuxcare, một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các hỗ trợ Linux, đã liên hệ với Dan và đặc biệt tuyển dụng anh ấy để xây dựng chương trình chứng chỉ LPI.

Trong khi đó, một cuộc thảo luận riêng biệt do Evan Leibovitch chủ trì tại Canadian Linux Users Exchange đã thúc đẩy một sáng kiến ​​tương tự. Jon “maddog” Hall, Chủ tịch Linux International, người biết cả Evan và Dan, đã giới thiệu họ và họ đã hợp nhất các nỗ lực của mình vào một dự án duy nhất để tạo ra một chương trình chứng chỉ Linux dựa vào cộng đồng. Mục tiêu được thống nhất là đi theo một con đường khác với hầu hết các chứng chỉ Công nghệ thông tin thời đó, bằng cách:

  • Phi lợi nhuận
  • Trung lập với nhà cung cấp, hệ điều hành mã nguồn mở và các bản phân phối phần mềm
  • Phản đối việc sử dụng chứng chỉ như công cụ bán “đào tạo chính thức”
  •  Được xác nhận về đo nghiệm tinh thần
  • Đa ngôn ngữ và có thể truy cập toàn cầu

Đọc thêm bên dưới dòng thời gian!

2020

Phát hành Tư cách Thành viên

2019

Ra mắt learning.lpi.org cung cấp các Tài liệu Học tập miễn phí và danh sách các nguồn nghiên cứu đã biết

2018

Người sở hữu chứng chỉ DevOps Tools Linux Professional Institute đầu tiên, đồng thời bổ sung chứng chỉ BSD Specialist

2017

Điều lệ thay đổi nhằm bao gồm Tư cách Thành viên

Người sở hữu chứng chỉ DEVOPS TOOLS ENGINEER đầu tiên

2014

500.000 lượt đăng ký

2012

Người sở hữu chứng chỉ LINUX ESSENTIALS đầu tiên

2010

Người sở hữu chứng chỉ LPIC-3 Mixed Environment đầu tiên

2009

Chứng chỉ thứ #50.000 được phân phối

2008

Người sở hữu chứng chỉ LPIC-3 Security đầu tiên

2004

Chuyến thăm của Liên hợp quốc, các bài phát biểu quan trọng và tài trợ cho hội nghị nguồn mở đầu tiên ở Châu Phi

2003

Lời mời trình bày với tư cách chuyên gia nguồn mở từ ITU

Phòng thi 500 người tại Hồng Kông và Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin (WSIS)

2002

Chứng chỉ thứ #1.000 được phân phối

2001

Người sở hữu chứng chỉ LPIC-2  đầu tiên

2000

Người sở hữu chứng chỉ LPIC-1  đầu tiên

1999

LPI lần đầu tiên được hợp nhất và ký kết với Pearson VUE

Hội đồng Cố vấn và Chi nhánh Đức được thành lập. Cuộc thi logo LPI. Các nhà tài trợ đầu tiên ký kết

 

Tuyên bố sứ mệnh đầu tiên, Phân tích nhiệm vụ công việc ban đầu cho LPIC thu hút 1400 người tham gia

1998

Các nỗ lực gộp chứng chỉ riêng biệt thành một chứng chỉ duy nhất

Dan York viết „Tạo chứng chỉ Linux và Chương trình Đào tạo“ cho Linux Gazette

Vào mùa xuân năm 1999, nỗ lực về chứng chỉ đã thu hút được sự chú ý của Benoy Tamang ở Caldera, một nhà phân phối Linux, đang cân nhắc triển khai một chương trình chứng chỉ độc lập của riêng mình. Benoy đã trả tiền để Dan và Evan đến gặp công ty và trình bày ý tưởng kêu gọi tài trợ. Một ngày trước buổi thuyết trình – ngày 04/04/1999 – họ bước vào phòng họp duy nhất của La Quinta Inn ở Orem, Utah, nơi chương trình ba cấp đã được tạo ra mà ngày nay mọi người biết đến với tên gọi Chứng chỉ Linux Professional Institute . (Trong khi các chương trình LPI khác đã được thêm vào, đường đua “LPIC” vẫn có chức năng giống hệt với thiết kế năm 1999.) Caldera thích những gì họ nhìn thấy vào ngày hôm sau và quyết định không theo đuổi chương trình chứng nhận của riêng mình mà thay vào đó trở thành nhà tài trợ doanh nghiệp đầu tiên của LPI. Chẳng bao lâu sau, các nhà tài trợ khác cũng đã tham gia bao gồm IBM và SUSE.

Với cơ cấu và nguồn tài trợ sơ bộ sẵn có, điều cần thiết lúc này là thành lập một nhóm. Nhóm của Dan và Evan được tham gia bởi các thành viên cộng đồng Charles “Scudder” Mead và Tom Peters.  viên của nhóm ban đầu là Scott Murray, một nhà tâm lý học đảm bảo rằng các kết quả của kỳ thi có thể được xác thực một cách khoa học và duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao ngay từ lúc bắt đầu. Năm người này là những người hợp nhất ban đầu của LPI. Tổ chức phi lợi nhuận được chính thức thành lập tại tỉnh bang New Brunswick, Canada, vì Canada được coi là trung lập về mặt chính trị và New Brunswick là một trong số ít khu vực pháp lý cho phép họp hội đồng quản trị ảo vào năm 1999.

Nhiều người trong cộng đồng Linux thích những đề xuất của tổ chức LPI non trẻ. Ví dụ, Jon “maddog” Hall trở thành nhà tài trợ Điều lệ cá nhân hạng Bạch Kim bằng cách đóng góp 1000 USD nhờ đó LPI có thể phân phối 200 bài thi đầu tiên của mình.

Suốt thời gian này, toàn bộ đội ngũ tình nguyện LPI đã mở rộng ra bao gồm những người làm việc trên nhiều khía cạnh khác nhau của chương trình. Nhóm đã thực hiện một. “bài phân tích công việc-nhiệm vụ” sâu rộng để đảm bảo các kỳ thi bao hàm được các chủ đề phù hợp. Các tình nguyện viên đã phát triển các câu hỏi và vận hành chúng thông qua các chương trình thi thử nghiệm beta. Một nhóm khác làm việc với VUE (sau này là một phần của Pearson) để tìm ra cách tổ chức các kỳ thi điện tử thông qua mạng lưới các trung tâm khảo thí của VUE. Hầu hết các tình nguyện viên làm công việc tiếp thị và quảng bá, trong khi những người khác tiếp tục kêu gọi quyên góp và đảm bảo hoạt động của tổ chức được tiến triển. Tất cả điều này diễn ra thông qua danh sách email và các cuộc gọi hội nghị theo dịp.

Sau khi các kỳ thi Cấp độ 1 đầu tiên được tổ chức vào năm 2000, tiếp theo là Cấp độ 2 vào năm 2001, LPI bắt đầu nhận được sự chấp nhận của quốc tế và sự ủng hộ của cộng đồng. Các nhóm có cùng mục đích đã nhanh chóng hỗ trợ tạo sự hiện điện ở các địa phương trên khắp thế giới, đầu tiên là ở Nhật Bản, sau đó là ở Đức và Brazil.

Nhận thấy rằng các trung tâm khảo thí không có mặt ở mọi nơi trên thế giới, và mong muốn các chứng chỉ LPI đạt được khả năng kết nối nhất có thể, đội ngũ LPI đã phát triển một cơ chế phân phối kỳ thi trên giấy trong môi trường được giám sát. Vào tháng 10/2002, Jon “maddog” Hall hợp tác với 4Linux, đơn vị sớm ủng hộ LPI ở Brazil, để phân phối 101 kỳ thi trên giấy ở Sao Paulo trong chuyến đi đến Latin America.

Vào tháng 11/2003, LPI đã tổ chức cho hơn 500 người tham gia tại phòng thi ở LinuxWorld Hong Kong, sự kiện lớn nhất trong số các sự kiện tương tự. LPI từ đó đã chứng nhận cho mọi người tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như phát hành các kỳ thi với 9 ngôn ngữ khác nhau. Sau đó vào năm 2003, LPI tham gia vào Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Xã hội Thông tin với phái đoàn 23 người, quảng bá về nguồn mở và phân phối hàng nghìn đĩa CD Linux cho các nhà ngoại giao và tổ chức phi chính phủ. Việc hợp tác với L’Agence Universitaire de la Francophonie (AUF) đã mang lại chứng chỉ nguồn mở chi phí thấp cho một số nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới. Gần đây hơn, chúng tôi vừa đưa ra các chương trình việc làm mới, tham gia Ngày Tự do Phần mềm trên toàn thế giới, tiếp tục góp mặt vào các hội nghị về nguồn mở ở khắp mọi nơi và đã hỗ trợ các đối tác của chúng tôi trong nỗ lực vận động địa phương.

Cấp độ 3 theo sau đó ra đời năm 2007. LPI đã đưa ra chương trình mở đầu Linux Essentials vào năm 2012 và chứng chỉ DevOps vào năm 2017. Chúng tôi bắt đầu làm việc với Nhóm Chứng chỉ BSD vào năm 2017, từ đó dẫn đến việc ra mắt chương trình Chuyên gia BSD vào năm 2019.

Theo thời gian, mạng lưới đối tác LPI đã mở rộng cả về số lượng lẫn phạm vi địa lý, hiện đã lên tới con số hơn 700 đối tác tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vào năm 2015, Nhóm Phát triển Mạng (NDG) đã phát hành khóa học đầu tiên trong chuỗi khóa học mang giáo dục kiến thức tập trung vào LPI đến hàng nghìn tổ chức và hàng triệu sinh viên tại Học viện Mạng Cisco (Cisco Networking Academy).

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tổ chức, Hội đồng quản trị LPI đã giới thiệu về chương trình Thành viên, một phần thay đổi đáng kể trong quản trị và định hướng tổ chức. Sự thay đổi này cho phép các cá nhân được chứng nhận LPI trở thành Thành viên của LPI, bầu ra Hội đồng quản trị và giúp định hình phương hướng của LPI. Cuộc bầu cử Hội đồng quản trị đầu tiên của chúng tôi được tổ chức tại Đại hội thường niên vào tháng 6/2021. Là một phần của những thay đổi về mặt quản trị, LPI cũng đã giới thiệu Quy tắc đạo đức đồng thời cam kết thúc đẩy đạo đức nghề nghiệp và phát triển cá nhân trong cộng đồng những người thực hành nguồn mở được chứng nhận.

Năm 2019, LPI giới thiệu trang learning.lpi.org, một cổng thông tin tài liệu học tập cung cấp các tài liệu đầu tiên trong chuỗi hướng dẫn học tập miễn phí nhằm hỗ trợ học viên và giảng viên.

Trải qua những năm đại dịch COVID và hiện tại đã cung cấp những kỳ thi lấy chứng chỉ tại nhà, lịch sử LPI lại tiếp tục được viết nên. Các mối quan hệ đối tác mới, chương trình chứng chỉ, ngôn ngữ, sáng kiến tiếp cận và tài liệu đào tạo miễn phí tiếp tục được tiến hành.

LPI muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã giúp đỡ phát triển từ một vài danh sách gửi thư nhỏ thành chương trình chứng chỉ kỹ năng nguồn mở lớn nhất thế giới. Sự ghi nhận đặc biệt dành cho các công ty Linuxcare và Starnix, vì đã giữ Dan và Evan tương ứng trong bảng lương của họ khi hai người làm việc với dự án LPI suốt những ngày đầu thành lập.